Chuyện tưởng đùa nhưng có thật tại các khu vực giữ xe 4 bánh ở trung tâm TP.HCM, vì mang tiếng là thu phí dịch vụ giữ xe cao cấp nhưng thực chất số tiền mà người dân phải trả chính là tiền “đậu xe” chứ không phải giữ xe.
Trước nay nhiều người nghĩ là nộp phí đậu xe dưới lòng đường, khu vực có thu phí bao gồm cả việc trông giữ xe nên rất băn khoăn khi mức phí tăng thì phát sinh những tranh chấp khi xảy ra mất cắp, hư hỏng. Đây là vấn đề cần làm rõ để tránh sự ngộ nhận, kể cả xác định rõ trường hợp nào thì được coi là vi phạm trong quá trình đậu xe và các biện pháp chế tài kèm theo.
Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết thật ra quy định thu phí đậu xe dưới lòng đường đã có từ rất lâu, ngay cả tên gọi của phí đã nói lên hình thức. Phí tạm sử dụng lòng đường đậu xe chứ không phải là phí hoặc giá trông giữ xe.
Về các hành vi thế nào là vi phạm việc dừng đậu và biện pháp chế tài, vị này cho biết sẽ tiếp thu bổ sung hoàn chỉnh đề án trình UBND TP trong thời gian tới.
Hiện nay còn có ý kiến, việc tăng phí đậu xe theo đề án có thể làm tăng giá dịch vụ giữ xe chuyên nghiệp tại các trung tâm thương mại, cao ốc. Đồng thời, không nên tổ chức thu phí đậu xe sau 21h “vì sau thời điểm này lòng, lề đường có thể dành cho các hoạt động khác và trên thế giới không ai cho phép đậu xe lòng đường qua đêm”.
Một trường hợp khác, cũng khiến chúng ta hắc mắc là khi chỉ đậu xe trong chốc lát nên mới gửi, nếu gửi lâu phải đưa tới 50.000 đồng. Như vậy rõ ràng là nhà nước thu chưa tới ¼ khoản phí mà người dân thực sự phải trả, một số tiền lớn đã chảy vào túi ai đó.
Ở góc độ quản lý địa phương, ông Võ Quốc Hưng – phó chủ tịch UBND P. Bến Nghé cho rằng mức phí của đề án cao hơn giá giữ xe các trung tâm thương mại là cần thiết để giảm áp lực xe đậu ở lòng, lề đường. Mức phí này cũng tương đương với mức giá trông giữ xe mà UBND TP ban hành.
Về vấn đề này, đại diện Sở Tài chính cho rằng quy định hiện nay không có mức yêu cầu khung mức phí mà thẩm quyền quyết định mức phí như thế nào là của HĐND TP.